Developed by JoomVision.com

Trang thông tin điện tử xã Tam Đại - huyện Phú Ninh - tỉnh Quang Nam Trang thông tin điện tử xã Tam Đại - huyện Phú Ninh - tỉnh Quang Nam

Trang thông tin điện tử xã Tam Đại - huyện Phú Ninh - tỉnh Quang Nam Trang thông tin điện tử xã Tam Đại - huyện Phú Ninh - tỉnh Quang Nam

Biển Đông trước những thách thức mới

Biển Đông những tháng đầu năm 2018 tiếp tục thu hút sự quan tâm chú ý cùng những phản ứng mạnh mẽ của dư luận thế giới do Trung Quốc gia tăng quân sự hóa các "đảo nhân tạo" mà họ chiếm đóng và bồi đắp trái phép ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.Việt Nam và một số nước ASEAN bị Trung Quốc tranh chấp chủ quyền đã mạnh mẽ phản đối hoạt động quân sự hóa Biển Đông trái phép của Trung Quốc, trong khi các nước Mỹ, Nhật, Úc, Ấn Độ, và mới đây là Pháp và Anh, đã có những phản ứng kiên quyết trước những hành động đơn phương làm "dậy sóng" Biển Đông của Trung Quốc.

bien

Trung Quốc gia tăng căng thẳng

Sau khi Tòa Trọng tài thường trực ở La Haye (Hà Lan) ra phán quyết về vụ Philippines kiện Trung Quốc về "đường lưỡi bò" theo Phụ lục VII của của Công ước LHQ về Luật biển năm 1982 vào ngày 12.7.2016, với tuyên bố: "đường lưỡi bò" do Trung Quốc tự vạch ra là phi pháp, Trung Quốc giữ thái độ "hòa hoãn" và tập trung các chiến lược ngoại giao kinh tế để làm dịu tình hình. Họ bắt đầu thúc đẩy mạnh mẽ "Sáng kiến Vành đai và Con đường" (BRI) (sáng kiến này ra đời từ năm 2013-BTV) với lời kêu gọi các quốc gia trong khu vực châu Á và vành đai Thái Bình Dương cùng tham gia để hợp tác phát triển kinh tế và tăng cường hòa bình trong khu vực. Trung Quốc cũng sốt sắng hơn trong việc đàm phán với các nước ASEAN để xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) với những điều khoản có tính "ràng buộc pháp lý". Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, vào năm 2015 đã tuyên bố với thế giới là Trung Quốc không hề có ý định quân sự hóa các "đảo nhân tạo" mà Trung Quốc bồi đắp trái phép ở quần đảo Trường Sa.
Dự thảo Luật Cảnh sát biển được đưa ra thảo luận tại Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV vào tháng 6.2018. Nhiều điều khoản trong dự thảo và nhiều phát biểu góp ý của các Đại biểu Quốc hội vào dự thảo đã bày tỏ quan điểm mới là phải xây dựng Cảnh sát biển Việt Nam thành một lực lượng chính quy, hiện đại và coi đây là một bộ phận thuộc lực lượng vũ trang, cùng với hải quân, không quân, biên phòng, dân quân tự vệ biển để bảo vệ chủ quyền biển đảo quốc gia và là chỗ dựa vững chắc cho ngư dân và các thành phần kinh tế sản xuất, khai thác tài nguyên biển...

Tuy nhiên, vào tháng 4.2018, Trung Quốc tổ chức cuộc diễn tập trận lớn nhất từ trước đến nay ở Biển Đông với 48 tàu chiến, 76 máy bay các loại, cùng hơn 10 nghìn binh lính. Tháng 5.2018, Trung Quốc đưa các dàn tên lửa hành trình chống hạm YJ-12B và tên lửa đất đối không HQ-9B ra lắp đặt trên các thực thể thuộc quần đảo Trường Sa, là đá Chữ Thập, đá Vành Khăn và đá Subi. Cũng trong thời gian này, Trung Quốc đã mở rộng và hiện đại hóa các thực thể thuộc quần đảo Hoàng Sa, kéo dài đường băng sân bay trên đảo Phú Lâm lên đến 2.700m và đưa máy bay chiến đấu J-11B của Không quân Trung Quốc đến "đồn trú" trên đảo này.

Trung Quốc cũng bị Mỹ tố (từ các nguồn tin thu thập được qua hệ thống vệ tinh giám sát của Mỹ ở tên bầu trời Biển Đông) là đã lắp đặt radar và các thiết bị gây nhiễu trên các thể địa lý họ chiếm đóng trái phép ở Trường Sa, gây mất an toàn bay cho máy bay đi qua vùng trời Trường Sa và đang mưu đồ lập vùng nhận diện phòng không (AZID) ở Biển Đông trong tương lai gần.

Ngoài gia tăng hoạt động quân sự, Trung Quốc còn ngang nhiên tung ra tấm "bản đồ mới của nước CHND Trung Hoa", được tuyên bố là đã được Trung Quốc công bố lần đầu vào năm 1951, với "đường lưỡi bò" liền nét ôm gần trọn Biển Đông, thay vì đứt thành 9 đoạn như Trung Quốc vẫn công bố bấy lâu nay. Các học giả Trung Quốc cho rằng, từ năm 1951, bản đồ này đã được Trung Quốc thực hiện và công bố, sau đó lưu trữ tại một trong những kho lưu trữ quốc gia ở Bắc Kinh và nay là lúc thích hợp để công bố với thế giới trong một sứ mệnh mới nhằm khẳng định chủ quyền quốc gia của Trung Quốc ở Biển Đông.

Phản ứng của quốc tế và Việt Nam

Những hành động nói trên của Trung Quốc đã gây ra những quan ngại sâu sắc và phản ứng mạnh mẽ của các nước trong khu vực và quốc tế.

Sau khi đưa máy bay tuần tiễu trên bầu trời các thể địa lý mà Trung Quốc chiếm đóng trái phép ở Trường Sa, đưa tàu chiến áp sát vùng nước nằm ngoài phạm vi 12 hải lý bao quanh các thể địa lý này trong các năm 2016 và 2017, ngày 27.5.2018, Hải quân Mỹ phái 2 tàu chiến vào hoạt động trong vùng nước 12 lý hải lý bao quanh quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam mà Trung Quốc đang chiếm đóng trái phép.Mới đây, phát biểu đáp trả cáo buộc của đại diện Trung Quốc là Triệu Hiểu Tác tại Đối thoại Shangri-La (SLD) ở Singapore ngày 2.6.2018, cho rằng tàu chiến Mỹ đã "xâm phạm lãnh hải" của Trung Quốc ở Tây Sa (cách Trung Quốc gọi quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam), Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis nói: "Vùng biển này (Biển Đông) với chúng tôi là vùng biển quốc tế tự do và mở", đồng thời tuyên bố Mỹ thực hiện điều này không chỉ vì quyền tự do hàng hải của Mỹ mà cho tất cả các nước lớn nhỏ trong khu vực, "xem đó là sự khẳng định lại trật tự dựa trên luật pháp quốc tế".

Cùng quan điểm với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, các bộ trưởng Quốc phòng của Pháp, Anh, Úc đều cho rằng, Trung Quốc đang âm mưu đặt tranh chấp ở Biển Đông trước "sự đã rồi" và đe dọa an ninh, xâm phạm chủ quyền của các quốc gia trong khu vực và làm tổn hại kinh tế, giao thương của nhiều nước khác trên thế giới. Vì thế cần phải tìm cách ngăn chặn Trung Quốc biến các hành động sai trái này thành một "quyền nghiễm nhiên", nếu cộng đồng quốc tế cứ im lặng và làm ngơ trước những gì Trung Quốc đã tuyên bố và làm. Đặc biệt, Anh và Pháp, là hai nước không có tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Đông cũng tuyên bố sẽ gửi tàu chiến đến Biển Đông ngay trong mùa hè này để cùng thực hiện quyền tự do hàng hải và hỗ trợ các nước trong khu vực thực thi quyền này.

Về phía Việt Nam, từ trước đến nay, Đảng và Nhà nước ta luôn giữ vững quan điểm kiên định về chủ quyền quốc gia đối với Hoàng Sa và Trường Sa; ủng hộ việc giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của LHQ về Luật biển năm 1982, tuân thủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) năm 2002, thúc đẩy xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) và coi việc xây dựng lòng tin chiến lược giữa ASEAN với Trung Quốc là một biện pháp căn bản để duy trì một trật tự an ninh khu vực dựa trên luật pháp quốc tế ở Biển Đông. Trước sự gia tăng quân sự hóa ở Biển Đông của Trung Quốc, người phát ngôn Bộ ngoại giao Việt Nam đã nhiều lần mạnh mẽ lên tiếng phản đối; đồng thời, chủ động hợp tác với nhiều bên nhằm ngăn chặn những hành động của Trung Quốc.

Tại Đối thoại Shangri-La năm 2018, Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam bày tỏ quan điểm: "Các bên có liên quan cần thể hiện trách nhiệm trong việc xây dựng một trật tự trên biển, để Biển Đông thật sự là vùng biển hòa bình, hợp tác và hữu nghị. Từ thực tiễn và kinh nghiệm, chúng tôi cho rằng để giải quyết các vấn đề an ninh phức tạp, trước hết mỗi quốc gia phải tự quyết định vận mệnh của mình. Đồng thời rất cần sự hỗ trợ, chung tay hành động một cách vô tư, công bằng, khách quan, vì lợi ích chung của cộng đồng quốc tế, nhất là các nước lớn".

Có thể thấy rằng việc Trung Quốc leo thang căng thẳng ở Biển Đông đã khiến các nước hợp tác với nhau mạnh hơn, có những đối sách thực tế hơn, nhằm đối phó với Trung Quốc. Các quốc gia ASEAN không thể đơn lẻ chống lại Trung Quốc, càng không thể đối đầu với Bắc Kinh chỉ bằng các phát ngôn cứng rắn, mà quan trọng hơn là phải củng cố ASEAN, biết cách thu hút sự tham gia của các nước lớn và hợp tác đúng thực chất thì mới có thể ứng phó hiệu quả hơn với Trung Quốc nhằm bảo vệ chủ quyền quốc gia, lãnh thổ và các nguồn lợi kinh tế của mình ở Biển Đông.

TRẦN ĐỨC ANH SƠN/ Báo Quảng Nam


Tin mới hơn:

Hình ảnh ngẫu nhiên từ thư viện ảnh

You are here: Home Thông tin tuyên truyền Biển đảo quê hương Biển Đông trước những thách thức mới
Green Blue Orange Back to Top