Developed by JoomVision.com

Trang thông tin điện tử xã Tam Đại - huyện Phú Ninh - tỉnh Quang Nam Trang thông tin điện tử xã Tam Đại - huyện Phú Ninh - tỉnh Quang Nam

Trang thông tin điện tử xã Tam Đại - huyện Phú Ninh - tỉnh Quang Nam Trang thông tin điện tử xã Tam Đại - huyện Phú Ninh - tỉnh Quang Nam

Truyền thuyết Bà Che - Ông Đụn

Xã Tam Hải (huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) được biết đến với cuộc sống làng biển sinh động với những hàng dừa xanh ngút ngàn nghiêng mình trong gió, rợp bóng mát; với nghĩa địa cá ông lớn nhất nước cùng với lễ hội cầu ngư tổ chức hằng năm...

ba che

Đặc biệt, thiên nhiên đã ưu ái ban tặng nơi đây một thắng cảnh vô cùng xinh đẹp, đó là Bàn Than - một dải đá đen tuyền lấp lánh như than trải dài trên bờ biển; trong đó điểm nhấn là mỏm Bà Che - Ông Đụn đã đi vào truyền thuyết và tâm thức của người dân nơi đây.
Bàn Than non nước thần tiên/ Bà Che, ông Đụn kết duyên biển trời... Câu ca dao như lời nhắc nhở con cháu sau này về hai mỏm đá Bà Che - Ông Đụn với hình dáng kỳ lạ như xếp chồng lên nhau, quấn quýt bên nhau trọn đời. Mỏm đá Bà Che là tảng đá lớn vươn mình lên cao như hình đầu cá khổng lồ, ở giữa có khoảng trống, sóng nước dập dờn.

Mỏm đá Ông Đụn là khối đá nằm sát biển với những lớp đá nằm xếp lên nhau kỳ thú. Mỏm Bà Che - Ông Đụn gắn liền với một truyền thuyết dân gian mang ý nghĩa nhân văn, thủy chung tình nghĩa vợ chồng, tình mẫu tử thiêng liêng bởi hình thù của hai mỏm đá giống như một người đang đứng che chở cho một người.

Tương truyền, xưa kia có hai vợ chồng người đánh cá nghèo mưu sinh nơi bờ biển xinh đẹp này. Tuy cuộc sống dựa vào biển cả với phương tiện đánh bắt thô sơ rất khó khăn, vất vả nhưng gia đình luôn luôn đầm ấm, hạnh phúc và hết lòng yêu thương nhau, sống hòa thuận với bà con lối xóm.

Thời gian dần trôi, hai người con trai của họ trở thành những thanh niên khỏe mạnh và rất hiếu thảo với cha mẹ. Đến tuổi dựng vợ gả chồng, người con trai lớn được cha mẹ dạm hỏi một cô gái trong làng xinh đẹp, nết na, tuổi tròn mười tám với dự định sẽ nên duyên chồng vợ vào mùa thu năm sau.

Vì mưu sinh, vì hiếu thuận với mẹ cha, hai chàng trai phải thay cha mẹ gánh vác việc ra khơi đánh bắt cá tôm. Thế rồi, một ngày nọ, trong một chuyến ra khơi, hai chàng cùng trai tráng trong làng gặp sóng to, gió lớn, giông tố bất thần nổi dậy, sấm chớp liên hồi, mưa như trút nước.

Những chiếc thuyền mỏng manh của họ bị sóng dữ nhấn chìm trong lòng đại dương mênh mông. Không khí tang tóc, đau thương bao trùm cả vạn chài khi bão tố đi qua. Cùng một lúc mất liền hai người con trai khỏe mạnh, hiếu thảo, hai cụ lòng đau quặn thắt tưởng chừng như không gượng dậy được nữa.

Lại càng thêm đau lòng khi người con trai đầu dang dở chuyện tình, để lại nguyện ước không thành cho người con gái. Nghĩ về viễn cảnh u ám, quá đau buồn, ông cụ ngã bệnh và ngày càng thêm nặng. Gắng gượng vượt qua nỗi đau, cụ bà một mình bươn chải kiếm miếng ăn cho hai vợ chồng, vừa hết lòng chăm sóc cụ ông.

Năm ấy, thời tiết lại thay đổi thất thường, mưa to, gió lớn, biển động thường xuyên. Dân vạn chài lâm vào cảnh thiếu đói vì không thể ra khơi. Một đêm nọ, trời bỗng nhiên kéo mây đen xám xịt, mưa bão ập đến ngay sau đó. Biển động dữ dội, những cột sóng khổng lồ dâng cao tràn lên làng chài, cuốn theo bao nhiêu nhà cửa, đồ đạc, gia súc của ngư dân nghèo.

Hai vợ chồng già đơn chiếc trong cơn hoạn nạn, giữa lằn ranh sự sống và cái chết vẫn an ủi, động viên nhau cố gắng vượt qua. Cụ ông mặc dầu đau yếu nhưng vẫn gắng sức cố chống chọi lại với cái rét lạnh của thời tiết. Còn cụ bà vì thương chồng đã lấy cả thân hình gầy yếu của mình để truyền hơi ấm, che chắn cho cụ ông trước gió bão bịt bùng...

Trời dần sáng, bão tố cuồng phong cũng tan. Những người dân vạn chài vội vã chạy đến nhà hai vợ chồng già để xem họ thế nào. Nhưng trước mặt họ là bãi biển trải dài như chưa từng tồn tại ngôi nhà của hai ông bà cụ. Căn nhà đã bị sóng biển nhấn chìm, hoàn toàn mất dấu.

Kỳ lạ thay, khi nhìn ra mặt biển, mọi người sửng sốt nhận ra không biết từ đâu bỗng hiện ra hai khối đá to lớn sừng sững án ngữ lối vào vạn chài. Trong hai khối đá đó, mọi người nhận thấy khối đá nhỏ hơn lại vươn cao hơn và làm điểm tựa cho khối đá lớn.

Quá đỗi ngạc nhiên, mọi người cho rằng bà cụ và ông cụ đã hóa đá và đến lúc chết vẫn quấn quýt bên nhau không rời. Khối đá nhỏ chính là bà cụ giàu lòng yêu thương và đức hy sinh đang cúi xuống che chở cho cụ ông. Từ đó người dân vùng này tôn kính gọi hai khối đá ấy là Bà Che - Ông Đụn.

Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, mỏm Ông Đụn bị bom đạn đánh phá làm sụp đổ phần trên, để lộ ra hai hòn đá nhỏ hai bên. Người dân địa phương cho rằng đó là hai người con trai đã trở về sum họp, quây quần bên cha mẹ và cả gia đình họ cùng nhau che chắn gió bão, phù hộ, bảo vệ cho làng xã được bình yên trước mọi thiên tai.

Ngày nay, mỏm Bà Che - Ông Đụn cùng hai hòn đá nhỏ vẫn ngày đêm sừng sững giữa trời nước bao la, vẫn hiên ngang cùng sóng gió, gắn với những truyền thuyết dân gian đầy cảm động về đạo nghĩa gia đình, về tình cảm vợ chồng cao quý, tình mẫu tử thiêng liêng.

AN TRƯỜNG/baodanang.vn


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Hình ảnh ngẫu nhiên từ thư viện ảnh

You are here: Home Văn hoá Văn nghệ Truyền thuyết Bà Che - Ông Đụn
Green Blue Orange Back to Top