Hotline
0905 19 25 28
Email: bbttamdai@gmail.com
Thứ hai, 08 Tháng 10 2018 13:45
Nhằm chuẩn bị tốt các điều kiện để sáp nhập thôn huyện Tây Giang đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến già làng, trưởng bản, người uy tín trên địa bàn. Theo phương án sáp nhập do Bí thư Huyện ủy Bh'riu Liếc trình bày, toàn huyện Tây Giang hiện có 70 thôn và 20 tổ tự quản, sẽ sáp nhập còn 64 thôn. Việc sáp nhập được rà soát kỹ qua thực tế kiểm tra địa bàn từng thôn. Vì việc sáp nhập cần xem xét các yếu tố liên quan như phong tục tập quán, vị trí địa lý để sau khi sáp nhập cuộc sống người dân không bị xáo trộn, việc đi lại không gặp khó khăn, trở ngại. Các giá trị văn hóa không bị ảnh hưởng.
Theo già làng Bling Dần, thôn T'ghê (xã A Vương), khi sáp nhập việc lấy tên thôn mới phải phù hợp với truyền thống, lịch sử địa phương. Đặc biệt, phải đề ra phương án cụ thể đối với việc quản lý dân cư, đất đai, rừng núi. Phải trả lời cho người dân rõ là sáp nhập rồi thì làng truyền thống có mất hay không; cán bộ dôi dư giải quyết chế độ như thế nào; dân đi họp hành có khó khăn không; mỗi thôn còn bao nhiêu cán bộ... Còn theo già làng Bhling Ría, thôn Abanh 1 (xã Tr'Hy) việc nhập thôn là chủ trương đúng và việc thực hiện cũng không khó, bởi trước kia từ một thôn tách ra thành 2, nay nhập lại không ảnh hưởng gì, cái lo nhất là cán bộ thôn (bí thư chi bộ, trưởng thôn,...) ai tiếp tục làm, ai nghỉ, làm sao xử lý hài hòa, đừng để mất đoàn kết.
Rà soát theo quy định, hiện nay toàn huyện Tây Giang có 69/70 thôn không đạt. Trước mắt huyện sẽ sáp nhập còn 64 thôn. Ông Bh'riu Liếc cho biết, quá trình sắp xếp, tổ chức lại thôn ở Tây Giang sẽ gắn với sắp xếp bố trí lại cán bộ đủ năng lực, trình độ, uy tín, nhiệt tình, trách nhiệm để sớm ổn định và đi vào hoạt động hiệu quả. Các thôn đều phải có chi bộ đảng và chi hội các đoàn thể gắn với thực hiện chủ trương nhất thể hóa chức danh bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn.
Ông Bhling Mia - Chủ tịch UBND huyện Tây Giang nói, trong quá trình triển khai huyện sẽ bảo đảm sự lãnh đạo tập trung thống nhất của cấp ủy đảng các cấp; sự thuận lợi cho sản xuất và sinh hoạt của nhân dân; chú trọng đến văn hóa làng của người Cơ Tu. Những thôn đã có gươl, sau khi sáp nhập vẫn để nguyên và sẽ gọi là làng, mọi hoạt động văn hóa lễ hội vẫn diễn ra như cũ, không xáo trộn. "Theo sự chỉ đạo của tỉnh, UBND huyện Tây Giang đã xây dựng đề án hỗ trợ cho 4 đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức, cán bộ không chuyên trách cấp xã, cấp thôn dôi dư sau khi sáp nhập. Hiện nay, có một cái khó là xem xét kỹ việc ai tiếp tục làm cán bộ thôn, ai nghỉ. Việc đầu tiên chúng tôi đang làm là tăng cường công tác tuyên truyền vận động để họ hiểu và tự giác chấp hành" - ông Mia cho biết.
ĐÌNH HIỆP/ Báo Quảng nam